Tập huấn giáo viên các trường Trung học Phổ thông Lào Cai Chương trình Nghiên cứu giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam (SEL)

01/03/2024 14:22 GMT+7
Trong khuôn khổ Chương trình “Nghiên cứu giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam” (SEL), ngày 29/2/2024, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức đợt tập huấn thứ nhất dành cho giáo viên thuộc 23 trường trung học phổ thông của tỉnh Lào Cai.

Chương trình được thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Kassel (Đức), Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, Công ty giáo dục Edmicro với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp khoá học giáo dục cảm xúc xã hội, góp phần phát triển năng lực, nâng cao hiệu quả học tập và sự thành công của học sinh. Tham gia chương trình nghiên cứu gồm 45.000 học sinh khối 11 của 237 trường thuộc 6 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Nam Định, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Trong đó, tỉnh Lào Cai có 23 trường với 101 lớp được chọn tham gia nghiên cứu với 03 loại hình lớp học: Lớp học trực tiếp với giáo viên, lớp học qua video và lớp học đối chứng chỉ khảo sát không học.
 

Các báo cáo viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chuẩn bị tập huấn
  
Nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình Nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công ty giáo dục Edmicro và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong tổ chức tập huấn cho các giáo viên THPT tỉnh Lào Cai.
  
Chương trình tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Tham dự đợt tập huấn có GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN; TS Igor Asanov - Trưởng nhóm nghiên cứu chính sách đổi mới và khoa học, Đại học Kassel, Đức; Ông Lê Minh Lương, Phó Trưởng Phòng GD ĐH&GDTX Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai; TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong; Bà Đỗ Thị Huế và bà Phùng Kỳ Phương, đại diện công ty giáo dục Edmicro; TS. Đoàn Thị Thúy Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; các báo cáo viên đến từ Viện KHGD Việt Nam và đại diện cán bộ quản lí, giáo viên của 23 trường THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
 

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN phát biểu khai mạc
 
Phát biểu trong buổi khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, cán bộ quản lí và giáo viên đến tham gia tập huấn. Ông một lần nữa nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của chương trình trong việc phát triển năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh. Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong việc triển khai tài liệu của Chương trình vào nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
 

TS. Igor Asanov- Trưởng nhóm nghiên cứu chính sách đổi mới và khoa học, Đại học Kassel, Đức, phát biểu chia sẻ tại buổi tập huấn
  
TS. Igor Asanov đã chia sẻ về lí do vì sao mong muốn được đưa Chương trình này đến với học sinh và giáo viên của Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh các chuyên gia của Chương trình luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với các thầy cô trong suốt quá trình thực hiện.
 
 
 
TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh- Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển mô hình Giáo dục phổ thông- Trung tâm phát triển bền vững chất lượng GDPT Quốc gia- Viện KHGD Việt Nam giới thiệu về bộ tài liệu của Chương trình cho cán bộ, giáo viên tham dự buổi tập huấn
 
Chương trình tập huấn diễn ra trọn vẹn 01 ngày giúp các thầy cô có hiểu biết cơ bản về Chương trình nghiên cứu giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh trung học phổ thông, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu tại trường học bao gồm cả hoạt động giảng dạy và tổ chức khảo sát. Chương trình Nghiên cứu không nằm ngoài những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, góp phần phát triển năng lực cho HS THPT đáp ứng, hoàn thiện các yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông.
 

Toàn cảnh lớp tập huấn
 
Sau đợt tập huấn này, Chương trình sẽ được triển khai tại 23 trường ở tỉnh Lào Cai, qua đó góp phần phát triển năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, đáp ứng mục tiêu chương trình GDPT2018.
 
Tin bài và ảnh: Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia

Tin khác