Khảo sát vận dụng thử nghiệm “Phương pháp dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học theo Chiến lược 6Cs” tại thành phố Cần Thơ

05/04/2022 17:04 GMT+7
Trong bốn ngày, từ 04-07 tháng 04 năm 2022, Đoàn công tác của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và đại diện của tập đoàn Nike triển khai khảo sát, đánh giá kết quả thử nghiệm vận dụng phương pháp môn Giáo dục thể chất theo chiến lược 6Cs tại 04 trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Cần Thơ.

Các hoạt động khảo sát bao gồm dự giờ; trao đổi, thảo luận chuyên môn; khảo sát, phỏng vấn cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh về thực tiễn triển khai vận dụng chiến lược 6Cs tại các nhà trường. Đây là hoạt động tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn Nike nhằm nâng cao chất lượng công tác Giáo dục thể chất trong nhà trường tiểu học ở Việt Nam.
  
Tham dự đợt khảo sát có sự tham gia của GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ, đại diện Tập đoàn Nike và Công ty cổ phần truyền thông Danson, các chuyên viên các phòng GD-ĐT, Ban Giám hiệu và giáo viên môn Giáo dục thể chất các nhà trường tham gia khảo sát và đội ngũ chuyên gia Viện KHGDVN.
  
Trong buổi khảo sát tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, GS.TS Lê Anh Vinh tiếp tục nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của môn học Giáo dục thể chất đối với sự phát triển toàn diện của học sinh tiểu học. Đồng thời, ông đánh giá cao vai trò của chiến lược 6Cs trong dạy học môn học, khẳng định đây là phương pháp dạy học tích cực, không những góp phần giúp học sinh yêu thích, có hứng thú và đam mê đối với môn học, tạo thói quen yêu vận động, yêu thể thao mà còn là công cụ, phương tiện giúp giáo viên đạt được các mục tiêu đề ra của bài học, môn học trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
  
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu trong buổi chia sẻ chuyên môn
  
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Lê Thanh Long - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ gửi lời cảm ơn Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã quan tâm và hỗ trợ các giáo viên môn Giáo dục thể chất của thành phố Cần Thơ trong việc tiếp cận các phương pháp dạy học tích cực, phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định Phương pháp dạy học theo chiến lược 6Cs hoàn toàn phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thôn 2018 với định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Sở GD&ĐT cũng đã có chủ trương phổ biến, nhân rộng và triển khai tập huấn đại trà cho toàn bộ giáo viên môn Giáo dục thể chất trên địa bàn thành phố sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.
 
Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ phát biểu chỉ đạo định hướng triển khai
  
Đoàn khảo sát cũng nhận được các ý kiến phản hồi tích cực của giáo viên trong buổi khảo sát. Các thầy cô giáo đều cho rằng đây là một sự đổi mới sáng tạo trong tiếp cận dạy học môn học, cung cấp cho giáo viên những kĩ thuật, chiến lược dạy học mới, có ý nghĩa, dễ vận dụng, có tính khả thi. Các thầy cô cũng khẳng định các giờ học có lồng ghép chiến lược 6Cs đều đạt được hiệu quả cao sau một thời gian vận dụng thử nghiệm trong thực tiễn dạy học môn học tại nhà trường.
 
ThS. Lý Quốc Biên, chuyên gia Viện KHGDVN chia sẻ, trao đổi chuyên môn cùng giáo viên
 
Đây là đợt khảo sát cuối cùng trong chuỗi khảo sát tại 07 tỉnh/thành sau tập huấn và thử nghiệm, với mục đích đánh giá toàn diện kết quả vận dụng chiến lược 6Cs trong dạy học môn Giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam; điều chỉnh, hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn, thẩm định và đề xuất vận dụng chính thức vào dạy học môn Giáo dục thể chất tại các địa phương tham gia khảo sát. Trên cơ sở đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tập đoàn Nike xây dựng những kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn nhằm phổ biến, lan tỏa, nhân rộng hiệu quả của phương pháp dạy học tích cực này trên quy mô toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả môn học Giáo dục thể chất cấp tiểu học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
   
Một số hình ảnh của đợt khảo sát
 

 

 

 

 

 
Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia