Họp tổng kết Dự án Reimagine Education

05/07/2022 19:12 GMT+7
Sáng ngày 04/07/2022, tại phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Họp tổng kết Dự án Reimagine Education 2021.


Đại diện hai đơn vị đánh giá kết quả thực hiện dự án
  
Tham dự buổi họp tổng kết, về phía UNICEF, có các chuyên gia trực tiếp điều phối Dự án, về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh, chủ nhiệm Dự án cùng trưởng nhóm các hợp phần và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Dự án Reimagine (Đổi mới tư duy) của UNICEF kêu gọi đầu tư khẩn cấp để giải quyết sự thiếu hụt về kỹ thuật số, giúp cho tất cả trẻ em đều có thể học từ xa, và đặc biệt ưu tiên đảm bảo học sinh trở lại trường học một cách an toàn đã được thiết lập từ cuối năm 2020 để hỗ trợ trẻ em trên toàn thế giới trước “thảm họa thế hệ tiềm năng”. Năm 2021 - 2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam triển khai 03 hợp phần.
 
 
Đại diện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày quá trình thực hiện dự án
  
Hợp phần 1: Giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên Việt Nam. Dự án được triển khai với mong muốn nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của học sinh Việt Nam về lĩnh vực giáo dục giới tính cũng như giúp các em tăng cường kết nối, cùng nhau xây dựng một cộng đồng vững mạnh, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn bản thân và thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội về vấn đề giáo dục giới tính toàn diện.
 
Hợp phần 2: Xây dựng hệ thống bài học Toán thực tế tăng cường/ game hoá theo Chương trình Toán 2018. Mục tiêu chính của Dự án bao gồm: (1) Tăng cường ứng dụng AR trong chương trình giáo dục môn Toán; (2) Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; và (3) Thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các công nghệ giáo dục hiện đại chất lượng cao (tất cả các vùng miền và cấp học).
 
Hợp phần 3: Ứng dụng phần mềm thực tế ảo VRapeutic nhằm nâng cao năng lực nhận thức cho học sinh tăng động giảm chú ý từ 6 đến 12 tuổi. Những mục tiêu cụ thể của Dự án gồm: (1) Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo của trẻ rối loạn phát triển nói chung và ADHD nói riêng; (2) Nghiên cứu, điều chỉnh, thích ứng 03 module của phần mềm thực tế ảo VRapeutic do chuyên gia Ai Cập sáng lập với sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam; và (3) Thử nghiệm nhằm nghiên cứu tính hiệu quả của phần mềm thực tế ảo VRapeutic do chuyên gia Ai Cập sáng lập với sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam.
 
Hai bên đánh giá cao nỗ lực và tâm huyết của các thành viên tham gia Dự án và công nhận những kết quả ban đầu đạt được của từng hạng mục. Trong cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, Dự án sẽ tiếp tục được duy trì với những trọng tâm sau: Tăng cường sự lan toả, hiệu quả truyền thông của các website và fanpage đã thiết lập của Dự án; Lưu ý đến lồng ghép ngôn ngữ kí hiệu, phụ đề hoặc dịch sang tiếng Anh, tiếng dân tộc thiểu số để có thêm nhiều đối tượng học sinh tiếp cận với các video bài giảng, phần mềm dạy học,…; Tổ chức các cuộc thi có liên quan đến chủ đề giáo dục dành cho học sinh;…
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam