Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và Thách thức đối với giáo dục”

13/02/2023 23:35 GMT+7
Ngày 13/02/2023, tại Hội trường A, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và Thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lãnh đạo các Cục, Vụ, các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu, các học giả quan tâm tới chương trình.

“ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và Thách thức đối với giáo dục” là một tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Đồng thời, giúp tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý nhằm tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.
  

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo 
 
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết những ngày qua ChatGPT đang tạo nên một kỉ lục với 100 triệu người dùng chỉ sau hơn 2 tháng ra mắt. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa giáo dục bằng việc cung cấp những phương thức học mới cho học sinh và giúp giáo viên giảng dạy dễ dàng và hiệu quả hơn thông qua các hệ thống học tập “thông minh”, “thích ứng” và “được cá nhân hóa”. Tuy nhiên, như với bất kỳ công nghệ mới nào, cũng có những mối quan tâm và thách thức cần được giải quyết. Chính vì thế Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục đã và đang chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT và AI đối với giáo dục, nhằm sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.
  

Các diễn giả thảo luận tại hội trường
 
Toạ đàm bao gồm 2 chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục với sự điều phối của GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
  
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến đáng quan tâm. Đa số các chuyên gia đều nhất trí rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang hiện diện trong mọi mặt cuộc sống của chúng ta và trở thành một phần thiết yếu của nền văn minh nhân loại. AI ngày càng thông minh, không những có thể giải đáp các thắc mắc, trả lời các câu hỏi mà còn phân tích nhu cầu mong muốn của cá nhân, từ đó đưa ra các gợi ý cho người dùng. Từ góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất nhận định với kho dữ liệu khổng lồ, ChatGPT sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên và học sinh. Với những ý kiến lo ngại AI và ChatGPT có thể sẽ bị lạm dụng cho các mục đích như lừa đảo, tấn công mạng, tiếp tay cho đạo văn. PGS. TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng cần phải bình tĩnh đón nhận những sản phẩm công nghệ như là thành tựu của trí tuệ nhân loại và coi nó là một công cụ phục vụ con người.
 

Đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm
 
Kết luận buổi tọa đàm, GS. Lê Anh Vinh nhấn mạnh để khai thác triệt mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của trí tuệ nhân tạo, cách tốt nhất là làm chủ công nghệ bằng cách tạo hành lanh chính sách, pháp lí để sử dụng công nghệ AI hay ChatGPT vào thực tiễn đời sống; Xây dựng hạ tầng số và đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó khăn và phát triển; Phát triển cơ sở dữ liệu đối với ngành giáo dục; Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để thích ứng tốt hơn với công nghệ nói chung và các công cụ trí tuệ nhân tại trong tương lai; Xây dựng khung năng lực số cho học sinh; Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị công cuộc đổi mới sáng tạo trong công nghệ của tất cả các cơ sở giáo dục.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam