Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học”

06/01/2022 21:31 GMT+7
Sáng ngày 06/01/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học”, mã số B2020-VKG-01, do ThS. Nguyễn Thị Hằng làm chủ nhiệm.


Hội đồng nghiệm thu đề tài
  
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục tiểu học và giáo dục đặc biệt, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh làm Chủ tịch. Với đặc điểm là những trẻ em có từ hơn hai khuyết tật trở lên, trong đó có khiếm khuyết một/ hơn một bộ phận cơ thể, chức năng trí tuệ, giác quan, ngôn ngữ,… trẻ đa tật gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia giáo dục để chuẩn bị học tiểu học theo chương trình phổ thông trong một số lĩnh vực cụ thể. Trẻ đa tật cần những hỗ trợ phù hợp để có thể đáp ứng chương trình học tập cấp tiểu học nhằm phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, hòa nhập cộng đồng. Một trong những hỗ trợ đó là một chương trình bổ trợ phát huy đúng điểm mạnh, khắc phục điểm hạn chế, thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội học tiểu học đúng độ tuổi của trẻ đa tật.
 
Thông tin đề tài
  
Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất biện pháp nhằm phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học.
  
Kết quả nghiên cứu
  
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 04 biện pháp phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học:
  
- Nâng cao nhận thức cho CBQL, giáo viên về tầm quan trọng và sự cần thiết phải phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học;
- Lập kế hoạch phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học;
- Xây dựng quy trình quản lý phát triển chương trình giáo dục bổ trợ phù hợp với đặc điểm của mỗi cơ sở;
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học cho CBQL, giáo viên.
 
Khuyến nghị
 
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Biên soạn các tài liệu về phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ đa tật nói riêng để cung cấp cho công tác bồi dưỡng CBQL, giáo viên các cơ sở giáo dục; Triển khai các chương trình trình bồi dưỡng CBQL và giáo viên phục vụ cho việc triển phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học;
  
Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo: Tích cực triển khai kế hoạch bồi dưỡng CBQL, giáo viên theo kế hoạch của Bộ hoặc lên kế hoạch bồi dưỡng hàng năm trước khi bắt đầu năm học mới; Tạo điều kiện để CBQL, giáo viên được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, với việc phát triển chương trình giáo dục dành cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ đa tật nói riêng.
  
Đối với các cơ sở giáo dục: Mỗi cơ sở giáo dục cần chủ động trong nghiên cứu và thực hiện phát triển chương trình giáo dục cho trẻ đa tật nói chung và chương trình bổ trợ chuẩn bị học tiểu học cho trẻ đa tật; Tạo điều kiện để đội ngũ CBQL, giáo viên nâng cao năng lực phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác