Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trung học cơ sở trong giai đoạn mới”

30/12/2021 14:57 GMT+7
Sáng ngày 30/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trung học cơ sở trong giai đoạn mới”, mã số CT.2019.08.05, do TS. Đỗ Thu Hà làm chủ nhiệm. Đây là một trong chuỗi 07 đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Quyết định số 521/QĐ-BGDĐT ngày 04/3/2019 của Bộ GD&ĐT.

TS. Đỗ Thu Hà trình bày kết quả nghiên cứu tại buổi nghiệm thu cơ sở  
  
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục trung học, do PGS.TS. Trần Kiều làm Chủ tịch.
 
Trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản. Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh giai đoạn này nhằm trang bị những tri thức cần thiết về đạo đức, nhân văn, giao tiếp, ứng xử… Thông qua giáo dục giá trị văn hóa, học sinh trung học cơ sở sẽ hình thành thái độ đúng đắn, bồi đắp tình cảm, niềm tin đạo đức trong sáng đối với bản thân và mọi người xung quanh, hình thành thói quen tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức xã hội, nỗ lực học tập rèn luyện hoàn thiện bản thân.
 
Thông tin đề tài
  
Mục tiêu nghiên cứu
  
Đề xuất được các phương án, giải pháp, biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trung học cơ sở Việt Nam trong giai đoạn mới.
  
Nội dung nghiên cứu
  
- Xác định cơ sở đề xuất phương án, giải pháp, biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trung học cơ sở;
- Đề xuất một số giải pháp, biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh trung học cơ sở;
- Thử nghiệm, khảo nghiệm xem xét tính khả thi của một số giải pháp, biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh ở trường trung học cơ sở.
  
Kết quả nghiên cứu
  
Nhóm nghiên cứu đề xuất 04 giải pháp chính về chuyên môn nhằm góp phần giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh cấp trung học cơ sở: (1) Giáo dục giá trị văn hóa qua xây dựng môi trường văn hóa học đường; (2) Giáo dục giá trị văn hóa qua dạy các môn học và nội dung giáo dục địa phương; (3) Giáo dục giá trị văn hóa qua dạy học các chủ đề tích hợp liên môn; (4) Giáo dục giá trị văn hóa qua các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.
 
Với từng giải pháp, nhóm nghiên cứu đã luận giải, phân tích về quan niệm, nội dung của giải pháp, cách thức thực hiện và những lưu ý khi thực hiện. Để minh chứng cho khả năng hiện thực hóa một số giải pháp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một số Kế hoạch bài học dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và một số chủ đề tích hợp liên môn dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giáo viên có thể tham khảo, vận dụng phù hợp với thực tiễn dạy học của nhà trường.
 
Khuyến nghị
 
Với Bộ GD&ĐT: cần có những định hướng chỉ đạo các cấp quản lí (Sở, Phòng GD&ĐT) thực hiện giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh gắn với mục tiêu giáo dục phẩm chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tổ chức hiệu quả các hoạt động biên soạn, bồi dưỡng, tập huấn CBQL, giáo viên về giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông.
 
Với Sở, Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu nhà trường: cần xây dựng kế hoạch/ văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện mục giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông quốc gia và phù hợp với Kế hoạch giáo dục của nhà trường.
 
Với đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường: cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh, từ đó, có hành động cụ thể để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tự bồi dưỡng về những kiến thức khoa học, về phương pháp, hình thức giáo dục giá trị văn hóa một cách phù hợp, hiệu quả.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác