Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học Việt Nam trong giai đoạn mới”

30/12/2021 14:51 GMT+7
Sáng ngày 30/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học Việt Nam trong giai đoạn mới”, mã số CT.2019.08.04, do TS. Đoàn Thị Thúy Hạnh làm chủ nhiệm. Đây là một trong chuỗi 07 đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Quyết định số 521/QĐ-BGDĐT ngày 04/3/2019 của Bộ GD&ĐT.

 TS. Đoàn Thị Thúy Hạnh trình bày kết quả nghiên cứu đối với các thành viên hội đồng
  
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, do PGS.TS. Trần Kiều làm Chủ tịch.
 
Tiểu học là giai đoạn đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với cả quá trình học tập của học sinh. Việc hình thành các giá trị văn hóa của giai đoạn này sẽ góp phần định hình và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển nhân cách của các em. Đề tài đã xác định được hệ thống các giá trị văn hóa cần giáo dục cho học sinh tiểu học, và đề xuất các giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học.
 
Thông tin đề tài 
  
Mục tiêu chung: Đề xuất được các phương án, giải pháp, biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học Việt Nam trong giai đoạn mới.
  
Mục tiêu cụ thể
  
- Xác định các luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học;
- Đề xuất các giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học;
- Thử nghiệm một số giải pháp nhằm đánh giá tính khả thi của giải pháp đề xuất.
  
Kết quả thực hiện
  
Mục tiêu của giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học
  
Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học nhằm góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết để trở thành người công dân tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của cá nhân và xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học được coi là cái căn bản, cái gốc cho sự hình thành và phát triển nhân cách.
 
Giáo dục giá trị văn hóa nhằm xây dựng và bồi dưỡng cho các em những quy tắc ứng xử, những hành vi đạo đức được thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, với mọi người xung quanh; giúp các em biết suy nghĩ tích cực, biết lắng nghe, học hỏi, tự xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc về nhân cách để các em có thể vươn lên trong cuộc sống; giúp các em biết tôn trọng bản thân và người khác, biết cách hợp tác, xây dựng và duy trì tình đoàn kết, thích ứng trước những đổi thay của cuộc sống; giúp các em biết chia sẻ, chịu trách nhiệm,…; góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh, qua đó giúp các em có ý thức trong từng việc làm, từng hành động, giúp các em sống có lý tưởng, có ước mơ và hoài bão, nhận thức được những cái hay, cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống.
  
Nội dung giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học bao gồm 10 nội dung: Giá trị yêu nước, Giá trị khoan dung, Giá trị hòa bình, Giá trị hợp tác, Giá trị tự trọng, Giá trị trách nhiệm, Giá trị kỉ luật, Giá trị trung thực, Giá trị tự tin, Giá trị sáng tạo.
  
Một số giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học được đề xuất như sau:
  
- Giáo dục giá trị văn hóa thông qua một số môn học và hoạt động trải nghiệm trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học
- Giáo dục giá trị văn hóa thông qua các chủ đề tích hợp liên môn
- Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học thông qua một số hoạt động giáo dục khác trong và ngoài nhà trường
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác