Nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng khung Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”

21/04/2022 11:13 GMT+7
Ngày 21/04/2022, tại 35 Đại Cồ Việt, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng khung Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, mã số KHGD/16-20.ĐT.41, do GS. Lê Anh Vinh làm chủ nhiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì buổi nghiệm thu đề tài
 
Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc – Chủ tịch Hội đồng, đại diện các Vụ trực thuộc Bộ cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Viện trưởng Lê Anh Vinh trình bày kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ
 
Đại diện nhóm nghiên cứu, GS. Lê Anh Vinh trình bày kết quả nghiên cứu chính của đề tài, trong đó tập trung làm rõ cơ sở lý luận về Khung chiến lược phát triển giáo dục, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, phân tích, đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, thông tin phân tích dự báo phát triển giáo dục, khung chiến lược đề xuất về phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, đánh giá tác động dự báo của một số nội dung chính sách được đề xuất.
  
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu áp dụng khung lý thuyết xây dựng chiến lược IIEP của UNESCO. Bên cạnh đó, đề tài cũng xác định 07 đặc điểm cơ bản của một bản kế hoạch tốt, 04 yếu tố chính trong việc xây dựng một bản kế hoạch và tiến trình 07 bước xây dựng bản kế hoạch.
  
Tổng quan kinh nghiệm quốc tế là một nội dung quan trọng của đề tài. Các tác giả đã nghiên cứu kinh nghiệm quá xây dựng khung chiến lược của 06 quốc gia trên thế giới , bao gồm Phần Lan, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Bỉ. Bảy bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đã tham chiếu, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của đề tài.
  
Việc đánh giá thực trạng giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã được thực hiện đề làm căn cứ đề xuất Khung chiến lược giáo dục và đào tạo 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045. Bộ chỉ số đánh giá được xây dựng để đánh giá thực trạng, hơn nữa còn được sử dụng để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo 2021 – 2030. Bộ chỉ số này bao quát được các cấp bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.
  
Kết quả đánh giá thực trạng cho thấy giáo dục đào tạo Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nhiều kết quả đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Mặt khác, các hạn chế của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn này cũng được chỉ ra, từ đó, nhóm nghiên cứu xác định các nghiên cứu của các hạn chế và yếu kém này.
 
Khung chiến lược phát triển giáo dục đào tạo 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 là sản phẩm cốt lõi của nhiệm vụ. Mục tiêu tổng quát gồm hai nội dung: i) Phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhâ, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc; ii) Xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Mười nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được đề xuất, trong đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp trọng tâm, và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi giáo số trong giáo dục là giải pháp đột phá.
 
Thành viên hội đồng góp ý hoàn thiện các báo cáo của nhiệm vụ
 
Sau phần trình bày của GS. Lê Anh Vinh, các thành viên hội đồng nghiêm túc đánh giá kết quả nghiên cứu, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo tổng kết của nhiệm vụ. 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác