Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam”

29/04/2022 15:31 GMT+7
Ngày 29/04/2022, tại 35 Đại Cồ Việt, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam”, mã số KHGD/16-20.ĐT.009, do TS. Lương Việt Thái làm chủ nhiệm.

 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội đồng nghiệm thu đề tài
    
Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ – Chủ tịch Hội đồng, các thành viên của hội đồng, đại diện các Vụ trực thuộc Bộ cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu.
  
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Lương Việt Thái trình bày kết quả nghiên cứu chính của đề tài, trong đó tập trung làm rõ cơ sở lý luận về công dân toàn cầu, giáo dục công dân toàn cầu, vai trò và ý nghĩa của giáo dục công dân toàn cầu đối với bản thân học sinh và gia đình, đối với quê hương đất nước và đối với quốc tế; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu thực trạng thực tế ở các trường phổ thông ở Việt Nam; đề xuất tiêu chí công dân toàn cầu Việt Nam và các yêu cầu cần đạt ở mỗi cấp học phổ thông. 
  
 
TS. Lương Việt Thái trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài
  
Việc đưa ra khái niệm về giáo dục công dân toàn cầu đã gặp nhiều thách thức vì đây là một khái niệm gây tranh cãi và có nhiều cách hiểu, và việc thực hành quyền công dân có liên quan chặt chẽ đến bối cảnh quốc gia, địa phương.
  
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu thấy rằng các nghiên cứu về công dân toàn cầu đều thừa nhận giáo dục công dân toàn cầu cần được thực hiện một cách đồng bộ, thông qua tất cả các hoạt động giáo dục, từ ngoại khóa đến chính khóa, từ cấu trúc chương trình đến nội dung và phương thức thực hiện.
  
Kết quả nghiên cứu thực tiễn ở các nhà trường phổ thông ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra: thuật ngữ công dân toàn cầu, giáo dục công dân toàn cầu còn mới mẻ đối với giáo viên và các nhà trường, còn có sự chưa đồng bộ trong giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực nói chung và thực hiện một số giáo dục công dân toàn cầu nói riêng; một số điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chứ hoạt động dạy và học giáo dục công dân toàn cầu còn hạn chế.
  
Đề xuất tiêu chí công dân toàn cầu Việt Nam là phần cốt lõi của đề tài với ba khía cạnh. Thứ nhất là về kiến thức: hiểu biết về các vấn đề mang tính toàn cầu (ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, xung đột và bạo lực….), hiểu biết về mối quan hệ gắn kết, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các vấn đề, của các cộng động ở các cấp độ địa phương, đất nước và toàn cầu, hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, quốc gia. Thứ hai là về kĩ năng: tự nhận thức về bản thân, phân tích về những vấn đề mang tính toàn cầu, nhận ra, đánh giá, phản biện các quan điểm khác nhau về những vấn đề mang tính toàn cầu, thích ứng trong môi trường mới, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong giao tiếp, hợp tác. Thứ ba là về thái độ: yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, tong trọng, quan tâm tới con người, các giá trị văn hóa, môi trường sống… 
  
Từ các tiêu chí, trên cơ sở nghiên cứu lí luận, kinh nghiệm quốc tế, phân tích chương trình giáo dục, thực tiễn Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các yêu cầu cần đạt ở mỗi cấp học phổ thông, đề xuất công cụ đánh giá và cách thức tổ chức đánh giá.
  
Nhận xét về đề tài, các thành viên hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các sản phẩm của nhiệm vụ.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác