Hội thảo khoa học “Chính sách phát triển giáo dục thường xuyên: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”

06/12/2023 09:06 GMT+7
Ngày 05/12/2023, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên tổ chức hội thảo chủ đề “Chính sách phát triển Giáo dục thường xuyên: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có đại diện Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục & Đào tạo; đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội; đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA); đại diện Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cùng toàn thể lãnh đạo và cán bộ, nghiên cứu viên của Ban ghiên cứu Giáo dục thường xuyên.
 
 
 
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Mai Văn Trinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã phát biểu: Luật Giáo dục 2019 (số 43/2019/QH14) đã đưa ra khung pháp lí rõ ràng về Giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Nhiệm vụ thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là hướng đi tất yếu của các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Những chính sách về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời của các nước là bài học quý báu để Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp. giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập. Bối cảnh đặt ra yêu cầu đối với nước ta là rất cần một công cụ điều hành, quản lý mạnh mẽ như Luật Học tập suốt đời.
  
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng vì Hội thảo với quy nhỏ nhưng có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các cấp quản lí, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Ông mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ cởi mở và nhiều thông tin bổ ích.
  
Trong Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo về kinh nghiệm quốc tế, thực trạng giáo dục thường xuyên ở Việt Nam, một số mô hình thực tiễn về phát triển cộng đồng và định hướng xây dựng chương trình cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
 
 
Báo cáo “Trung tâm học tập suốt đời ở Hàn Quốc” do ThS Nguyễn Hoài Thu – Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên trình bày.
 
 
Báo cáo “Phương pháp tiếp cận XMC-Phát triển cộng đồng. Thực tiễn triển khai thí điểm tại Điện Biên.” do bà Nguyễn Thị Hài, Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên và bà Tống Thị Hưởng, VAEFA trình bày.
 
 
  
Báo cáo “Tháo gỡ cơ chế quản lý bất cập để phát triển giáo dục thường xuyên” do ông Vũ Văn Đức, VAEFA trình bày.
 
 
  
Báo cáo “Định hướng xây dựng chương trình tích hợp hoàn thiện văn hóa phổ thông với đào tạo nghề góp phần phân luồng học sinh sau THCS.” do ông Nguyễn Yên Thắng, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trình bày.
  
Trong phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ ý kiến xoay quanh sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời ở nước ta hiện nay, bài học kinh nghiệm của các nước đã xây dựng Luật Học tập suốt đời và các mô hình giáo dục thường xuyên; những khó khăn, vướng mắc về chính sách khi triển khai các chính sách phát triển giáo dục thường xuyên; các hoạt động đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, việc tổng kết các dự án thí điểm có hiệu quả và định hướng cho việc nhân rộng và tiếp tục phát triển,...
  

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi ý kiến
 

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng ban Ban nghiên cứu GIáo dục thường xuyên trao đổi các ý kiến tại Hội thảo.
  
Kết thúc Hội thảo, ông Mai Văn Trinh đã ghi nhận những ý kiến hữu ích được chia sẻ, những nghiên cứu của Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên về lĩnh vực giáo dục thường xuyên.
 

Các đại biểu tham dự Hội thảo
  
Đồng thời, ông đã có những gợi mở quan trọng để tiếp tục triển khai những vấn đề đã đưa ra trong Hội thảo và có những và định hướng cho hoạt động của Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên trong những năm tiếp theo. Đó là: Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên chọn một số điểm nhấn có tính định hướng, có tác động vào hệ thống, cơ chế chính sách để tiếp tục nghiên cứu, làm cơ sở xây dựng các văn bản pháp luật về giáo dục thường xuyên; phối kết hợp với các bên liên quan, các đối tác để có nguồn lực triển khai các nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình thí điểm và phát triển hơn; các phòng chuyên môn của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cập nhật các vấn đề của Hội thảo để tham mưu chính sách về nghiên cứu giáo dục thường xuyên; Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên chủ động đề xuất và đầu mối về chuyên môn để triển khai các nghiên cứu và tổ chức Hội thảo quy mô lớn hơn.
  
Tin bài và ảnh: Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên

Tin khác