Hội thảo định hướng tổ chức và hoạt động của các cơ ở giáo dục đối với người khuyết tật tại Việt Nam

26/06/2024 14:16 GMT+7
Ngày 21 tháng 06 năm 2024, tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam”. Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giáo viên các trường chuyên biệt, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập cùng trao đổi, góp ý cho Dự thảo Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời hội thảo cũng tiến hành góp ý Dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật.


PGS.TS. Mai Văn Trinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì Hội thảo
  
Tham dự hội thảo có các thành viên Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ban giám đốc và cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia và cán bộ quản lý, giáo viên của gần 50 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập trên cả nước, đại biểu thuộc Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), Quỹ Đinh Thiện Lý, tổ chức Angles’ Haven Hàn Quốc (AH).
  
Hội thảo diễn ra với hai phiên chuyên đề với năm báo cáo của các nhà chuyên môn tập trung vào các nội dung sau: 1) Thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam; 2) Dự thảo quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; 3) Kinh nghiệm chuyển đổi từ trường chuyên biệt thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên; 4) Thực trạng và định hướng phát triển các chương trình giáo dục cho học sinh khuyết tật; 5) Một số nội dung cơ bản trong dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật.
 

Các đại biểu tham dự Hội thảo
  
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề về các điều kiện và giải pháp về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chương trình, phương tiện, đồ dùng dạy học, cơ sở pháp lý đáp ứng nhu cầu dạy và học, vận hành các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
  
Sau một ngày làm việc tích cực, đại biểu tham dự hội thảo đều mong muốn hàng năm có hội thảo thường niên dành cho các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật để các nhà quản lý, các nhà chuyên môn có dịp được trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất, góp ý để công tác giáo dục cho người khuyết tật ngày càng được nâng cao chất lượng.
  
Tin bài và ảnh: Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia

Tin khác