Hội thảo “Đối thoại chính sách về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”

07/04/2022 11:08 GMT+7
Ngày 06/04/2022, tại khách sạn Daewoo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Đây là một hội thảo có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNICEF Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam về các vấn đề trọng điểm trong xã hội ngày nay. Nội dung chính của buổi hội thảo xoay quanh câu chuyện chính sách và thực tiễn về giáo dục giới tính và tình dục trong bối cảnh Việt Nam phát triển, tiếp cận đa chiều, từ góc nhìn của những nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và chính bản thân thanh thiếu niên đến từ mọi vùng miền của tổ quốc.
  
  
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới sự hiện diện của các quý vị đại biểu và những người quan tâm đến một vấn đề xã hội quan trọng nhưng lại “khó” truyền tải trong giáo dục. Ông cũng bày tỏ niềm vui được gặp lại những thí sinh trong Vòng chung kết của cuộc thi “We share - Kiến thức giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho thanh thiếu niên”. Các em đều là những người chiến thắng, khi đã bản lĩnh chia sẻ cái nhìn của mình về một vấn đề được cho là nhạy cảm trong xã hội. Ngày hôm nay, những băn khoăn, nỗi niềm và suy nghĩ của các em sẽ được lắng nghe và thấu hiểu, để từ đó, những nhà giáo dục và hoạch định chính sách có thể đưa ra những chính sách đổi mới và chiến lược tiếp cận phù hợp nhất để nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên Việt Nam nói chung về những vấn đề liên quan tới giáo dục giới tính và tình dục toàn diện.
  
   
Bà Lê Anh Lan, đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam cũng phát biểu chúc mừng sự thành công của cuộc thi “We share” và mong muốn hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để lắng nghe tiếng nói của thanh thiếu niên, và các nhà giáo dục, giáo viên và phụ huynh cùng suy ngẫm về việc phối hợp tạo môi trường an toàn để các em sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tạo ra môi trường học tập tích cực về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho thanh thiếu niên Việt Nam.
   
   
Nội dung chính của Hội thảo bắt đầu với “Phiên 1. Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong một thế giới kết nối - Chính sách và thực tiễn” với sự điều hành của Ông Dương Quang Ngọc - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng các diễn giả: Bà Bùi Thanh Xuân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Bà Dương Thị Như Quỳnh - Trường THPT Sông Mã, Sơn La; Ông Phạm Duy Diễn - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh; Bà Dương Thị Thúy Nga - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các diễn giả đến từ địa phương nêu lên bức tranh thực trạng về giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên ở các cơ sở giáo dục tại địa phương, những khó khăn cả về trình độ chuyên môn và học liệu. Một chủ đề cũng được thảo luận là sinh viên các trường sư phạm cần được trang bị kiến thức về giáo dục giới tính ngay trong giai đoạn được đào tạo, đi thực hành, thực tế tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện để không chỉ trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho học sinh mà còn phối hợp với gia đình và các lực lượng xã hội khác để giáo dục và phòng chống xâm hại trẻ em và thanh thiếu niên.
  
   
Tiếp theo chương trình, “Phiên 2. Giáo dục giới tình và tình dục toàn diện tại Việt Nam - góc nhìn từ thanh thiếu niên” với sự điều hành của bà Bùi Ngọc Diệp - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Đây là lúc để những câu chuyện và chia sẻ của các em học sinh được khuyến khích và lắng nghe. Đại diện các em học sinh đến từ các tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sơn La, và Vĩnh Phúc đã rất bản lĩnh, tự tin và nhiệt huyết nói lên tiếng nói của học sinh toàn quốc về những lo lắng, băn khoăn của các em về tâm sinh lý lứa tuổi, nhu cầu về tìm hiểu và tìm kiếm sự hỗ trợ liên quan đến giáo dục giới tính và tình dục toàn diện. Các em cũng mạnh dạn đề xuất những giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức và kĩ năng về giới và giới tính như: có môn học chính thức về giáo dục giới tính, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, có những chính sách bắt buộc đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường càng sớm càng tốt, thầy cô và cha mẹ cũng cần được trang bị kiến thức cần thiết để biết lắng nghe và chia sẻ với con em mình về những vấn đề được coi là “nhạy cảm”, “khó nói”,…
  
   
Sự tiếp nhận và chia sẻ từ nhóm các diễn giả, gồm bà Nguyễn Ngọc Yến - Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, ông Phạm Minh Mục - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, bà Nguyễn Thị Loan - Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục; bà Nguyễn Huyền Trang - đại diện phụ huynh học sinh; ông Nguyễn Bảo Châu - đạo diễn, nhà hoạt động xã hội vì quyền của người LGBT+ cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến giáo dục giới tính cho nhóm yếu thế, nâng cao nhận thức về quyền của cộng đồng LGBT+, cần có các cách thức tiếp cận và phương pháp truyền đạt hiện đại, thực tế, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi,…
 
Theo chương trình dự kiến, phiên làm việc buổi chiều trao đổi về nội dung giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam