Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2023 của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Hội đồng số 6)

14/12/2023 21:06 GMT+7
Chiều ngày 14/12/2023, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ theo chức năng năm 2023 của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Hội đồng số 6).


Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng
  
Tham dự hội đồng có sự chủ trì của PGS.TS. Trần Kiều, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia.
 
Hội đồng tiến hành đánh giá và góp ý 03 nhiệm vụ theo chức năng. Nhiệm vụ thứ nhất “Nghiên cứu thực trạng việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường ở cấp Tiểu học (Lớp 1, 2, 3, 4), cấp Trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8) và cấp Trung học phổ thông (lớp 10,11)”, mã số V2023-12TX, do ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo là chủ nhiệm. Nhiệm vụ phân tích kết quả khảo sát về nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên, thực trạng xây dựng, thực trạng triển khai, các điều kiện cần thiết để triển khai hiệu quả, hiệu quả triển khai và giải pháp xây dựng, triển khai có hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường. So với những năm học trước, việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường đã được cải thiện và bước đầu có những tác động tích cực đối với các nhà trường. Giáo viên ngày càng nâng cao nhận thức về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cải thiện nhiều hơn về cách dạy, cách đánh giá học sinh đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cán bộ quản lý và giáo viên cũng còn gặp những khó khăn và thách thức, cần có kế hoạch hướng dẫn khoa học, hiệu quả hơn.
 
Nhiệm vụ thứ hai “Nghiên cứu thực trạng trang bị và sử dụng thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Lớp 10, 11)”, mã số V2023-13TX, do ThS. Phạm Thị Hằng là chủ nhiệm. Nhiệm vụ phân tích kết quả khảo sát về công tác quản lý, công tác tổ chức mua sắm thiết bị dạy học, công tác trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, và những yếu tố ảnh hưởng đến trang bị và sử dụng thiết bị dạy học. Công tác đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học lớp 10, 11 được địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành; việc trang bị phòng học bộ môn, thiết bị dạy học đòi hỏi kinh phí khá lơn, chưa đầu tư đầy đủ, kịp thời theo danh mục. Số lượng nhân viên thiết bị ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định, một số nơi giáo viên kiêm nhiệm nên có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp về tổ chức và quản lý, về điều kiện đảm bảo trang bị và sử dụng thiết bị, về chuyên môn để góp phần nâng cao chất lượng về trang bị và sử dụng thiết bị dạy học ở cấp THPT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
 
Nhiệm vụ thứ ba “Nghiên cứu tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Lớp 3, 7, 10)”, mã số V2023-14TX, do ThS. Hồ Thị Thu Hương là chủ nhiệm. Nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá thực trạng triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục 2018, từ đó đề xuất một số giải pháp để góp phần triển khai hiệu quả chương tình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhóm nghiên cứu phân tích thực trạng chung việc triển khai chương trình, sách giáo khoa và thực trạng triển khai theo các môn học và hoạt động giáo dục của lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Các giải pháp được đề xuất liên quan đến công tác quản lý, nâng cao năng lực giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,…
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác