Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2023 của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Hội đồng số 7)

15/12/2023 08:43 GMT+7
Sáng ngày 14/12/2023, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ theo chức năng năm 2023 của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia.


Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng
 
Tham dự hội đồng có sự chủ trì của PGS.TS. Trần Kiều, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia.
 
Hội đồng tiến hành đánh giá và góp ý 03 nhiệm vụ theo chức năng. Nhiệm vụ thứ nhất “Nghiên cứu mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended) ở trường phổ thông góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (năm 2023 thực hiện ở cấp THPT), mã số V2023-15TX, do ThS. Kiều Thu Linh là chủ nhiệm. Nhiệm vụ xác định được cơ sở khoa học, bao gồm cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng triển khai dạy học kết hợp ở trường THPT tại Việt Nam làm căn cứ cho đề xuất mô hình; bước đầu đề xuất được mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến ở trường THPT Việt Nam, trong đó tập trung vào các thành tố liên quan tới dạy học tự chọn, hạ tầng công nghệ và các điều kiện đảm bảo. Nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình gồm các thành tố: thể chế, quản lý, công nghệ, sư phạm, đạo đức, nguồn lực hỗ trợ và đánh giá. Trong điều kiện thực tế của Việt Nam, mô hình dạy học kết hợp khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, với dự đoán khả quan về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam có tiềm năng để áp dụng và triển khai mô hình dạy học kết hợp (blended) dựa trên nền tảng công nghệ phát triển.
 
Nhiệm vụ thứ hai “Nghiên cứu thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2023: cấp THPT - Lớp 10)”, mã số V2023-16TX, do ThS. Bùi Thanh Thủy là chủ nhiệm. Nhiệm vụ đã khảo sát báo cáo của các Sở GD&ĐT và ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên tại 10 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trong cả nước về việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và tổ chức triển khai nội dung giáo dục địa phương lớp 10 năm học 2022 - 2023. Kết quả khảo sát cho thấy việc triển khai nội dung giáo dục địa phương tuy đã có những kết quả, thuận lợi ban đầu nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khắc phục: (1) Xây dựng khung chương trình giáo dục địa phương; (2) Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; (3) Tổ chức triển khai tài liệu giáo dục địa phương trong các cơ sở giáo dục: tập huấn bồi dưỡng giáo viên, phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch, phương thức tổ chức dạy học, điều kiện đảm bảo, và đánh giá kết quả giáo dục.
 
Nhiệm vụ thứ ba “Nghiên cứu thực trạng việc sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh phổ thông (Năm 2023: cấp THPT - Lớp 10)”, mã số V2023-17TX, do ThS. Nguyễn Thị Thu là chủ nhiệm. Kết quả cho thấy đã có chuyển biến rõ rệt trong đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT trong những năm gần đây, giáo viên có những hiểu biết khá đầy đủ về các phương pháp dạy học và giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và sử dụng khá thường xuyên; tuy nhiên, một số phương pháp dạy học còn bị hạn chế do chưa đảm bảo những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sĩ số học sinh,… Tín hiệu đáng mừng là phần lớn giáo viên đã khẳng định mức độ hiệu quả của các phương pháp dạy học và giáo dục có ưu thế trong việc phát triển năng học sinh, điều này cho thấy đội ngũ giáo viên đang rất nỗ lực để tiếp cận, vận dụng, làm chủ những phương pháp dạy học mới.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác