Hội thảo "Bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục"

27/06/2023 18:00 GMT+7
Ngày 27/6/2023, tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) tổ chức Hội thảo “Bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp trong bối cảnh chuyển đổi giáo dục” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo, về phía Viện KHGDVN có sự hiện diện của GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh, về phía Tổ chức VVOB, có sự hiện diện của Bà Karolina Rutkowska - Giám đốc Chương trình Quốc gia. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp và hơn 200 đại biểu trực tuyến, bao gồm các cán bộ quản lý, các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giáo viên và giảng viên trên khắp cả nước.
 
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà giáo dục, các nhà chính sách, các nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục cùng tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức chuyên môn; chia sẻ cách nhìn và phân tích mối tương quan giữa khái niệm, khung chính sách và việc triển khai thực tế; giới thiệu các phương pháp giảng dạy sáng tạo, chiến lược lãnh đạo, thiết kế chương trình giảng dạy, các hình thức kiểm tra - đánh giá và sử dụng công nghệ; đưa ra các chiến lược thực tế, những thực hành đã được thực hiện và những khuyến nghị khả thi để tăng cường các sáng kiến bồi dưỡng chuyên môn tại Việt Nam.
 
 Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN gửi lời cảm ơn đến tất cả các quý vị đại biểu, quý thầy cô đã dành thời gian tham dự Hội thảo có ý nghĩa này. Ông nhấn mạnh, chất lượng giáo viên là một chỉ số quan trọng cho sự thành công của học sinh, và phát triển chuyên môn là công cụ chính, là chìa khoá để cải thiện kiến thức và kĩ năng sư phạm của giáo viên. Vấn đề đặt ra trong thực tế là giáo viên cần có thời gian để phát triển chuyên môn thường xuyên phù hợp với nhu cầu và mong muốn, và nội dung phát triển chuyên môn cần liên quan trực tiếp và hữu ích đối với mỗi giáo viên. Một trong những giải pháp trọng tâm là mô hình phát triển chuyên môn theo hình thức kết hợp. Ông bày tỏ mong muốn các đại biểu, với góc nhìn từ vai trò cụ thể của mình sẽ thu nhận được những thông tin hữu ích và tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.
 
  Bà Karolina Rutkowska mong muốn hỗ trợ cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam
   
Tiếp theo chương trình là bài phát biểu chào mừng của bà Karolina Rutkowska - Giám đốc Chương trình Quốc gia, VVOB Việt Nam. Phương châm “Giáo dục vì sự phát triển” diễn tả mong muốn của VVOB trong việc góp phần tạo nên một thế giới công bằng hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Một nền kinh tế thịnh vượng bắt nguồn từ một hệ thống giáo dục đổi mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên là một giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục.
 
Chương trình Hội thảo gồm 4 phiên kết hợp trình bày báo cáo, thảo luận bàn tròn và thảo luận của các đại biểu tham dự theo cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến.
 
  Ông Đỗ Đức Lân điều hành phiên thảo luận thứ nhất
  
Mở đầu phần nội dung chính là Phiên 1 “Khám phá các phương pháp tiếp cận kết hợp trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” do Ông Đỗ Đức Lân, Phó trưởng phòng QLKH, ĐT & HTQT, Viện KHGDVN điều hành. Bài trình bày “Phát triển chuyên môn cho giáo viên trong bối cảnh bình thường mới: Kinh nghiệm của Philippine” do GS. Dominador Dizon Mangao - Phó Trưởng khoa, Trường Học tập linh hoạt, Đại học Sư phạm Quốc gia Philippine nhấn mạnh chương trình phát triển chuyên môn giáo viên phải có ý nghĩa, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của giáo viên, những người sẽ trở thành những nhà giáo dục phi thường trong điều kiện bình thường mới của giáo dục, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Bài trình bày “Phát triển nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên theo mô hình bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến thuộc chương trình ETEP” do TS. Lê Thị Kim Anh và TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT giới thiệu Mô hình bồi dưỡng thường xuyên kết hợp trực tuyến - trực tiếp, tại chỗ, có hỗ trợ, tương tác trên hệ thống CNTT, dựa trên nhu cầu. Bài trình bày “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo hình thức kết hợp ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Phương Thảo, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhật, Bà Nguyễn Thu Hà - các chuyên gia tư vấn của VVOB phân tích bối cảnh, thực tiễn và triển vọng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo hình thức kết hợp ở Việt Nam.
 
  Các diễn giải thảo luận ở phiên thứ hai
 
 Đại biểu thảo luận tại hội trường
  
Phiên 2 “Chính sách, quan điểm về bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam” với sự điều hành của TS. Đoàn Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện KHGDVN là phiên thảo luận bàn tròn, có sự tham gia của Ông Đinh Văn Phương - Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT; PGS. TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; Bà Hà Thị Thu Hương - Trưởng phòng Giáo dục, VVOB Việt Nam; Bà Lương Thị Xuân Tâm - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bình Định; TS. Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục Ba Đình, Hà Nội; và Bà Chu Thị Tú Liên - Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Các diễn giả đưa ra những nhận định và thảo luận các vấn đề liên quan đến: Đổi mới phương pháp sư phạm của giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cách tiếp cận “Học thông qua chơi” trong giáo dục học sinh tiểu học; xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn tại nhà trường và địa phương để giáo viên có môi trường học tập, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kĩ năng; các hình thức giám sát, kiểm tra và duy trì công tác bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục;…
 
  Ông Melvyn Lim trình bày tham luận tại hội thảo
  
Mở đầu phiên làm việc buổi chiều là Phiên 3 “Tăng cường thực hiện chương trình giảng dạy, phát triển tài liệu chuyên môn, bài học thực tiễn trong trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp”. Ông Melvyn Lim - Giám đốc Quốc gia cấp cao, Cambridge International trình bày báo cáo “Đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn tại Việt Nam: Quan điểm từ các trường Quốc tế Cambridge”. Báo cáo chỉ ra những đặc điểm và thực tiễn chuyên môn chính mà giáo viên và cán bộ quản lý nên phát triển để giúp học sinh học tập hiệu quả tại các trường Cambridge. Ông Koen Verrecht - Tổ chức VVOB giới thiệu “Lộ trình học tập theo hình thức kết hợp của dự án BLEND và bộ tài liệu BLEND ON”. Đây là bộ tài liệu được phát triển từ một quá trình đồng sáng tạo của 08 tổ chức, với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức trực tuyến và kết hợp. Cuối cùng là bài trình bày “Mô hình nhóm hoạt động của giáo viên trong Phát triển chuyên môn liên tục của giáo viên (TAG)” của Bà Nguyễn Ngọc Ánh - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện KHGDVN. Báo cáo đưa ra các nguyên tắc hoạt động của mô hình nhóm giáo viên hiệu quả: tiếp cận từ dưới lên để cùng xây dựng, chia sẻ kiến thức và kĩ năng, làm việc với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cùng phát triển năng lực trong hoạt động cụ thể, và dựa trên nhu cầu của giáo viên.
  
  Bà Lương Mình Phương trình bày bài tham luận trong phiên thứ tư
  
Phiên 4 “Huy động sức mạnh tập thể trong bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên theo hình thức kết hợp” là phiên thảo luận toàn thể, diễn ra dưới sự điều hành của TS. Lương Minh Phương - Trung tâm Thông tin và Dự báo, Viện KHGDVN. Các đại biểu chia cùng nhau làm việc theo nhóm, sôi nổi phát biểu, thảo luận xoay quanh các chủ đề: những ưu tiên để thực hiện bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên, các điều kiện đảm bảo thực hiện, hình thức thực tiễn triển khai bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tại nhà trường và địa phương.
   
 Các đại biểu thảo luận theo nhóm
 
  Đại diện các nhóm trình bày nội dung thảo luận
  
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN một lần nữa gửi lời cảm ơn tới tổ chức VVOB đã cùng đồng hành với giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua và đồng tổ chức hội thảo hữu ích này, cảm ơn tới toàn thể quý đại biểu, quý thầy cô đã quan tâm và tham dự hội thảo. Hy vọng hội thảo đã phần nào chia sẻ những thông tin hữu ích, kết nối các nhà giáo dục và mở ra tương lai triển vọng với hình thức kết hợp trong phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
 
  Các đại biểu tham dự hội thảo
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam,
Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế