Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chương trình khung quốc gia”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 04/04/2013, Viện KHGDVN đã tiến hành nghiệm thu đề tài cấp Viện “Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chương trình khung quốc gia”, mã số: V2012-26, do ThS. Lê Văn Hồng làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng khung trình độ quốc gia của một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất mô hình xây dựng khung trình độ quốc gia của Việt Nam.
 
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

1/ Về lý luận
- Đề tài đã đưa ra một số khái niệm cơ bản: khái niệm trình độ và phân loại trình độ, khái niệm khung trình độ, khung trình độ quốc gia;
- Đề cập đến hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm: kiểm định các cấp trình độ, sự cam kết các cơ sở giáo dục và đào tạo, giám sát kiểm tra hệ thống đánh giá việc thừa nhận một cấp trình độ;
- Tổng quan hệ thống giáo dục quốc dân qua các thời kỳ với các mô hình giáo dục Nho giáo (1076 – 1885), mô hình hệ thống giáo dục Pháp thuộc (1885 – 1945), mô hình hệ thống giáo dục Liên Xô, mô hình hệ thống giáo dục đổi mới hội nhập quốc tế (1986 đến nay);
- Tổng quan kinh nghiệm xây dựng khung trình độ quốc gia của Australia, Malaysia, New Zealand, với lịch sử hình thành khung trình độ quốc gia và các nguyên tắc khi xây dựng khung trình độ quốc gia.

2/ Về thực tiễn
- Đề tài đã xác định mục tiêu chung khung trình độ quốc gia Việt Nam;
- Đề xuất 05 nguyên tắc xây dựng khung trình độ quốc gia;
- Đề xuất cấu trúc và quy trình xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam;
- Dựa vào mục tiêu, các nguyên tắc, cấu trúc và quy trình, nhóm tác giả đề xuất mô hình khung trình độ quốc gia Việt Nam.

3/ Khuyến nghị
- Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
+ Sớm thành lập Hội đồng khung trình độ quốc gia Việt Nam;
+ Cần hoàn thiện việc điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới, để các cấp, bậc học trong khung trình độ quốc gia được rõ ràng hơn;
+ Cần sớm thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề;
+ Hoàn thiện hệ thống tín chỉ và hệ thống đảm bảo chất lượng, đặc biệt là cơ quan kiểm định độc lập thực sự có năng lực, song song với việc xây dựng khung trình độ quốc gia cho Việt Nam;
+ Cần tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về xây dựng khung trình độ quốc gia;
+ Tập huấn và cử cán bộ khoa học về giáo dục và các chuyên ngành sâu đi học tập kinh nghiệm xây dựng khung trình độ quốc gia ở một số nước trên thế giới.

- Đối với các Bộ ngành có liên quan:
+ Cần sớm thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề;
+ Có kế hoạch cụ thể và dài hơi về xây dựng khung trình độ quốc gia;
+ Bố trí nguồn kinh phí đủ lớn để thực hiện việc xây dựng khung trình độ quốc gia.

Tin khác